Màu Cộng – Màu Trừ: Sự khác nhau giữa màu vẽ và màu kỹ thuật số
Có hai quy tắc chính chi phối cách chúng ta nhìn thấy màu sắc.
Đầu tiên là quy tắc màu cộng: Đây là quy tắc thường được áp dụng cho các sản phẩm kỹ thuật số như màn hình, máy chiếu, LED…
Thứ hai là màu trừ: Đây là quy tắc áp dụng cho sơn, thuốc nhuộm, màu vẽ, filter…
Màu cộng và màu trừ là hai khái niệm vật lý khác nhau có liên quan đến việc chúng ta nhận thức màu sắc trên các đối tượng khác nhau. Màu sắc hiển thị trên màn hình có các phản ứng vật lý khác với màu sắc mà chúng ta nhìn thấy trên một bức tranh. Do đó, nếu bạn muốn học chỉnh màu, bạn nên hiểu sự khác biệt giữa màu cộng và màu trừ. Hệ màu mà người chỉnh màu kỹ thuật số sử dụng là màu cộng, không liên quan gì đến hệ màu mà người họa sĩ làm việc cùng – vốn là màu trừ.
Đối với đèn quay, và ánh sáng dùng trong quay phim, chúng ta cần biết thêm một số khái niệm vật lý khác, trong đó có nhiệt độ màu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hai khái niệm vật lý cơ bản này mà người chỉnh màu nói riêng và những người làm việc với hình trong môi trường kỹ thuật số nói chung cần phải biết.
MÀU CỘNG
Khả năng cảm nhận màu sắc, cũng giống như khả năng cảm nhận âm thanh, là một chủ đề phức tạp liên quan đến tâm lý học, sinh lý học, sinh học, hoá học và vật lý. Khi bạn nhìn vào một đối tượng và thấy một màu sắc riêng biệt, bạn không nhất thiết phải thấy một bước sóng ánh sáng duy nhất. Ví dụ, nếu vật mà bạn đang nhìn vào là một cái áo, và bạn thấy nó có màu tím. Trong trường hợp như vậy, ánh sáng đó có thể có nhiều bước sóng khác nhau chiếu vào mắt bạn ở nhiều cường độ khác nhau. Tuy nhiên, hệ thống mắt-não của bạn diễn giải tổng hợp các bước sóng đập vào mắt bạn và chiếc áo được mắt bạn giải mã là màu tím.
Các màu sắc cơ bản của ánh sáng
Chủ thể của khả năng cảm nhận màu sắc có thể được đơn giản hoá nếu chúng ta xem xét các màu cơ bản của ánh sáng. Chúng ta đã được học rằng màu trắng không phải là một màu, mà là sự có mặt của tất cả các bước sóng ánh sáng khả kiến. Khi nói đến ánh sáng trắng, chúng ta đang đề cấp đến ROYGBIV – sự có mặt của toàn bộ phổ ánh sáng khả kiến. Nhưng sự kết hợp dải bước sóng trong phổ ánh sáng khả kiến không phải là cách duy nhất để tạo ra ánh sáng trắng. Ánh sáng trắng còn có thể được tạo ra bằng cách chỉ kết hợp ba bước sóng ánh sáng riêng biệt, miễn là chúng được phân tách rộng rãi trên phổ ánh sáng khả kiến. Bất kỳ ba màu (hoặc bước sóng) ánh sáng tạo ra ánh sáng trắng khi được kết hợp ở cường độ chính xác được gọi là các màu cơ bản của ánh sáng. Có rất nhiều nhóm màu cơ bản. Nhóm màu cơ bản phổ biến nhất là đỏ (Red – R), xanh lá (Green – G) và xanh dương (Blue – B). Khi ánh sáng màu đỏ, xanh lá và xanh dương được trộn (hoặc thêm) vào với nhau ở cường độ chuẩn xác, bạn sẽ có được màu trắng. Điều này thường được biểu diễn bằng phương trình: R + G + B = W
Trên thực tế, việc pha trộn (hoặc thêm) hai hoặc ba màu cơ bản với nhau với các cường độ khác nhau có thể tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Vì lý do này, nhiều tivi và màn hình máy tính tạo ra dải màu của nó bằng cách sử dụng các phốt-pho phát ra ánh sáng đỏ, xanh lá và xanh dương.
Việc trộn các màu cơ bản của ánh sáng có thể được thể hiện bằng một hộp đèn. Hộp đèn chiếu sáng một bề mặt bằng ba màu cơ bản – đỏ (Red – R), xanh lá (Green – G) và xanh dương (Blue – B). Các đèn chiếu sáng một diện tích hình tròn. Kết của của việc thêm hai màu cơ bản của ánh sáng có thể dễ dàng được nhìn thấy tại vùng chồng của hai đường tròn màu cơ bản. Sự kết hợp khác nhau của các màu đỏ, xanh lá và xanh dương được thể hiện trong hình bên dưới. (Lưu ý: do các màn hình khác nhau và các trình duyệt khác nhau render màu theo các cách khác nhau, vậy nên cường độ của các màu trên các màn hình khác nhau có thể sẽ không giống nhau.)
Quy tắc màu cộng
Các minh hoạ với hộp màu ở trên cho thấy ánh sáng màu đỏ kết hợp với ánh sáng màu xanh dương sẽ cho ra ánh sáng màu vàng (Yellow – Y). Ánh sáng màu đỏ và ánh sáng màu xanh dương sẽ cho ra ánh sáng màu Magenta. Ánh sáng màu xanh lá kết hợp với ánh sáng màu xanh dương sẽ cho ra màu Cyan, Và cuối cùng, ánh sáng màu đỏ và ánh sáng màu xanh lá và ánh sáng màu xanh dương kết hợp với nhau cho ra màu trắng. Điều này đôi khi được thể hiện bằng các phương trình màu sắc và đồ hoạ sau:
R + G = Y
R + B = M
G + B = C
Màu vàng (Yellow – Y), magenta (M) and cyan (C) đôi khi được gọi là các màu thứ cấp của ánh sáng vì chúng có thể được tạo ra bằng cách thêm hai ánh sáng màu cơ bản với nhau ở cường độ bằng nhau. Sự kết hợp giữa ba màu cơ bản của ánh sáng này ở nhiều mức cường độ khác nhau sẽ cho ra vô số màu sắc.
Các màu bổ túc của ánh sáng
Bất cứ hai anh sáng có màu sắc khác nhau nào khi phối trộn với nhau ở mức cường độ tương đồng có thể tạo ra ánh sáng trắng thì được gọi là hai màu bổ túc. Màu bổ túc của ánh sáng đỏ là ánh sáng màu cyan. Điều này hợp lý bởi vì ánh sáng màu cyan là sự kết hợp giữa ánh sáng màu xanh lá và màu xanh dương; và ánh sáng màu xanh lá với màu xanh dương khi thêm ánh sáng màu đỏ sẽ tạo ra ánh sáng trắng. Do đó, ánh sáng đỏ và ánh sáng màu cyan (tương đương với cặp ánh sáng xanh lá và xanh dương) đại diện cho một cặp màu bổ túc của ánh sáng; khi kết hợp với nhau chúng sẽ tạo ra ánh sáng màu trắng. Điều này được minh hoạ trong phương trình dưới đây:
R + C = R + (B + G) = White
Mỗi màu cơ bản của ánh sáng có một màu thứ cấp, là một màu bổ túc của nó. Có ba cặp màu bổ túc được liệt kê bên dưới. Hình bên phải là cực kỳ hữu ích trong việc xác định các màu bổ túc. Các màu bổ túc luôn nằm đối diện nhau trên biểu đồ. Lưu ý rằng màu cyan đối diện màu đỏ, màu magenta đối diện màu xanh dương, và màu vàng đối diện màu xanh dương.
Các màu bổ túc
Đỏ và Cyan
Xanh lá và Magenta
Xanh dương và Vàng
Việc tạo ra ánh sáng nhiều màu sắc bằng cách kết hợp ba màu cơ bản được biết đến với tên gọi “màu cộng”. Các nguyên tắc cộng màu mà chúng ta đã thảo luận ở trên có thể được dùng để dự đoán việc màu sắc nào sẽ được tạo ra khi kết hợp các ánh sáng có màu sắc khác nhau.
MÀU TRỪ
Ở trên chúng ta đã nói đến màu cộng. Các nguyên tắc của màu cộng chi phối màu sắc mà chúng ta nhìn thấy khi pha trộn giữa các ánh sáng có nhiều màu sắc khác nhau. Nguyên tắc màu cộng có các ứng dụng quan trọng đối với tivi màu, màn hình máy tính-điện thoại, ánh sáng sân khấu – nhà hát – phim – video – ảnh. Mỗi ứng dụng này kết hợp giữa việc pha trộn hoặc thêm các ánh sáng có màu để tạo ra màu sắc mong muốn. Hiểu biết của chúng ta về việc tiếp nhận màu sắc sẽ không hoàn thiện nếu không biết về nguyên tắc màu trừ. Trong phần tiếp theo này, chúng ta sẽ học về cách các chất liệu khác nhau sẽ hấp thụ các bước sóng ánh sáng khác nhau một cách có chọn lọc để tạo ra màu sắc mong muốn.
Chúng ta biết rằng các vật liệu có chứa các nguyên tử với khả năng hấp thụ có chọn lọc một hoặc nhiều tần số ánh sáng. Giả sử một cái áo được làm từ chất liệu có thể hấp thụ ánh sáng màu xanh dương (nếu ánh sáng này chiếu lên nó), nó sẽ hấp thụ ánh sáng này và phản xạ lại các bước sóng khác trong dải quang phổ khả kiến. Một chiếc áo như vậy sẽ có màu gì khi chúng ta chiếu ánh sáng trắng lên nó và làm thế nào để chúng ta có thể giải thích được màu sắc mà chúng ta nhìn thấy? Để trả lời câu hỏi này (và những câu hỏi tương tự), chúng ta sẽ dựa vào hiểu biết về các màu cơ bản của ánh sáng (đỏ, xanh lá và xanh dương) cùng ba màu thứ cấp của ánh sáng (magenta, vàng và cyan).
Quy trình của màu trừ
Như chúng ta đã biết, ánh sáng trắng chứa ba màu cơ bản của ánh sáng: đỏ, xanh lá và xanh dương. Nếu chiếu ánh sáng trắng lên cái áo thì cũng tương đương việc chiếu ánh sáng màu đỏ, xanh lá và xanh dương lên cái áo đó. Nếu cái áo hấp thụ màu xanh dương, thì chỉ còn ánh sáng màu đỏ và xanh lá phản chiếu trở lại mắt chúng ta. Vậy nên, khi ánh sáng màu đỏ, xanh lá và xanh dương chiếu lên cái áo, chỉ có ánh sáng màu đỏ và xanh lá được phản chiếu trở lại. Ánh sáng đỏ và xanh lá đập vào mắt sẽ luôn cho chúng ta thấy màu vàng. Vì lý do này, áo sẽ có màu vàng trong mắt chúng ta. Ví dụ này cho thấy cách thức hoạt động của màu trừ. Trong quá trình này, màu sắc cuối cùng của một vật thể được xác định bằng một màu hoặc một tập hợp các màu phối trộn với nhau, cho biết ánh sáng của màu nào hoặc những màu nào bị loại bỏ ra khỏi ánh sáng ban đầu. Quá trình này được mô tả trực quan bằng sơ đồ bên phải. Hơn nữa, quá trình này được mô tả dưới dạng phương trình không gian sau: W – B = (R + G + B) – B = R + G = Y
Bây giờ, giả sử bạn chiếu ánh sáng màu cyan lên cái áo ở trên – cái áo làm từ chất liệu hấp thụ ánh sáng màu xanh dương. Chúng ta sẽ thấy ánh sáng này có màu gì dưới ánh sáng màu cyan và làm thế nào chúng ta biết được? Để trả lời câu hỏi này, quy trình của màu trừ sẽ được áp dụng một lần nữa. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ bắt đầu với ánh sáng cơ bản màu xanh lá và xanh dương (vì ánh sáng màu cyan bao gồm ánh sáng màu xanh lá và xanh dương). Từ hỗn hợp này, chúng ta phải trừ ánh sáng màu xanh dương đi. Sau quá trình trừ màu, chỉ còn lại ánh sáng màu xanh lá. Do đó, cái áo này sẽ có màu xanh lá khi chúng ta chiếu ánh sáng màu cyan lên nó. Quan sát biểu đồ dưới và phương trình dưới đây: C – B = (G + B) – B = G
Từ hai ví dụ trên, chúng ta có thể kết luận rằng cái áo này sẽ có màu vàng dưới ánh sáng trắng, và có màu xanh lá dưới ánh sáng màu cyan. Điều này có thể khiến bạn thấy bối rối, đặc biệt là đối với những người từ trước đến nay vẫn tin rằng màu của cái áo là do tự thân cái áo phát ra. Đây là một quan niệm sai lầm phổ biến. Màu sắc của một đối vật thể không nằm trong chính vật thể đó. Thay vào đó, màu sắc nằm trong ánh sáng chiếu lên vật thể, tương tác với các nguyên tử bên trong nó và phản xạ lại ánh sáng vào mắt chúng ta. Mở rộng quan điểm về màu sắc này, chúng ta sẽ hiểu được tại sao cái áo này lại có màu vàng dưới ánh sáng trắng và màu xanh lá dưới ánh sáng màu cyan. Ánh sáng màu vàng là sự kết hợp giữa ánh sáng màu đỏ và màu xanh lá. Một cái áo có màu vàng nếu nó phản xạ ánh sáng màu đỏ và xanh lá trở lại mắt chúng ta. Để phản chiếu ánh sáng màu đỏ và xanh lá, hai màu cơ bản này phải có mặt trong ánh sáng chiếu lên cái áo.
Màu thứ cấp và Màu trừ
Trong ví dụ ở trên, tờ giấy hấp thụ ánh sáng xanh dương. Giấy hấp thụ ánh sáng xanh dương có chứa sắc tố chuyên hấp thụ ánh sáng màu vàng. Mặc dù hầu hết các sắc tố có khả năng hấp thụ nhiều hơn một bước sóng duy nhất (và được gọi là sắc tố tổng hợp), để tiện cho việc ra ví dụ, chúng ta sẽ đơn giản hóa nó đi một chút bằng cách giả định rằng sắc tố vàng chỉ hấp thụ một bước sóng duy nhất mà thôi. Một sắc tố chỉ hấp thụ một bước sóng duy nhất được gọi là sắc tố tinh khiết. Quy tắc sau đây sẽ giúp hiểu được sắc tố nào hấp thụ ánh sáng màu nào.
Các sắc tố hấp thụ ánh sáng. Các sắc tố tinh khiết hấp thụ một bước sóng hoặc một màu sắc duy nhất. Màu sắc của ánh sáng bị hấp thụ bởi một sắc tố chỉ đơn thuần là màu bổ túc của sắc tố đó.
Do đó, các sắc tố màu xanh dương tinh khiết hấp thụ ánh sáng màu vàng (có thể được xem là sự kết hợp giữa ánh sáng màu đỏ và xanh lá). Các sắc tố màu vàng tinh khiết hấp thụ ánh sáng màu xanh dương. Các sắc tố màu xanh lá tinh khiết hấp thụ ánh sáng màu magenta (có thể được coi là sự kết hợp của ánh sáng đỏ và xanh dương). Sắc tố magenta tinh khiết hấp thụ ánh sáng màu xanh lá. Sắc tố màu đỏ tinh khiết hấp thụ ánh sáng màu cyan (có thể được coi là sự kết hợp giữa ánh sáng xanh dương và xanh lá). Và cuối cùng, sắc tố màu cyan tinh khiết hấp thụ ánh sáng màu đỏ.
Bây giờ hãy kết hợp nguyên lý màu trừ với kiến thức về màu bổ túc để xác định các tờ giấy sẽ có màu nào khi được chiếu sáng bằng nhiều ánh sáng khác nhau. Chúng ta sẽ nghiên cứu ba ví dụ.
Ví dụ 1
Ánh sáng magenta chiếu lên một tờ giấy chứa sắc tố màu vàng, xác định màu sắc của tờ giấy mà chúng ta nhìn thấy.
Ánh sáng magenta có thể được coi là sự kết hợp của ánh sáng màu đỏ và xanh dương. Sắc tố màu vàng có khả năng hấp thụ ánh sáng màu xanh dương. Do đó, màu xanh dương bị loại bỏ ra khỏi ánh sáng chiếu vào tờ giấy. Chỉ còn lại ánh sáng đỏ. Nếu tờ giấy phản chiếu ánh sáng đỏ, mắt chúng ta sẽ thấy nó có màu đỏ.
M – B = (R + B) – B = R
Ví dụ 2
Ánh sáng màu vàng chiếu lên một tờ giấy chứa sắc tố đỏ. Xác định màu của tờ giấy mà mắt chúng ta nhìn thấy.
Ánh sáng màu vàng có thể coi là sự kết hợp giữa ánh sáng màu đỏ và xanh là. Sắc tố màu đỏ hấp thụ ánh sáng màu cyan. Điều này có nghĩa là, tờ giấy chứa sắc tố đỏ có thể hấp thụ cả ánh sáng màu xanh lá và xanh dương (vì ánh sáng màu cyan là sự kết hợp giữa ánh sáng màu xanh lá và xanh dương). Vậy nên ánh sáng màu đỏ và xanh lá khi chiếu lên tờ giấy thì ánh sáng màu xanh lá sẽ bị hấp thụ. (Ánh sáng màu xanh dương sẽ không bị hấp thụ vì nó không có chiếu lên tờ giấy). Chỉ còn ánh sáng màu đỏ phản chiếu trở lại. Nếu tờ giấy phản chiếu ánh sáng đỏ, chúng ta sẽ thấy nó có màu đỏ.
Y – G = (R + G) – G = R
Ví dụ số 3
Ánh sáng màu vàng chiếu lên tờ giấy có chứa sắc tố màu xanh dương. Xác định màu của tờ giấy.
Ánh sáng màu vàng có thể được coi là sự kết hợp giữa ánh sáng màu đỏ và ánh sáng màu xanh lá. Sắc tố màu xanh dương có thể hấp thụ ánh sáng vàng. Tức là, tờ giấy có sắc tố xanh dương có thể thấp thụ cả ánh sáng đỏ và xanh lá (vì ánh sáng vàng là sự kết hợp của cả hai ánh sáng màu này). Vậy nên, ánh sáng màu đỏ và xanh lá chiếu lên tờ giấy, cả hai đều bị hấp thụ. Không còn màu nào phản chiếu lại mắt của bạn. Có nghĩa là, bạn thấy tờ giấy có màu đen.
Y – Y = (R + G) – (R + G) = Không có ánh sáng phản chiếu trở lại = Màu đen.
Ba thước bán nguyệt được đặt chồng lên nhau. Các thước này có màu cyan, magenta và vàng. Ánh sáng trắng chiếu lên ba thước này, có thể được coi là ánh sáng RGB. Mỗi thước hấp thụ một màu cơ bản của ánh sáng. Thước cyan hấp thụ ánh sáng đỏ. Thước magenta hấp thụ ánh sáng xanh lá. Thước vàng hấp thụ ánh sáng màu xanh dương. Ở nơi hai thước chồng lên nhau, bạn sẽ thấy một màu cơ bản tại đó. Ví dụ, nơi thước màu cyan chồng lên thước màu vàng, ánh sáng màu đỏ và màu xanh dương bị hấp thụ và bạn nhìn thấy màu xanh lá. Và nơi thước cyan và thước magenta chồng lên nhau, ánh sáng màu đỏ và xanh lá bị hấp thụ, và bạn nhìn thấy màu xanh dương. Cuối cùng, ở chỗ thước magenta và vàng chồng lên nhau, màu xanh lá và xanh dương bị hấp thụ, bạn nhìn thấy màu vàng. Ví dụ này minh họa cho nguyên tắc màu trừ.
Filter và màu trừ
Ví dụ phía trên áp dụng cho các chất liệu không trong suốt. Sự khác biệt giữa chất liệu trong suốt và không trong suốt được nói đến ở phần trước. Chất liệu không trong suốt hấp thụ có chọn lọc một hoặc nhiều bước sóng ánh sáng, và phản xạ lại những tần số không bị hấp thụ. Trái ngược với các chất liệu không trong suốt, các chất liệu trong suốt hấp thụ có chọn lọc một hoặc nhiều tần số ánh sáng và cho những tần số không được hấp thụ đi qua. Cũng như các chất liệu không trong suốt, các chất liệu trong suốt có chứa các sắc tố với các nguyên tử có khả năng hấp thụ một hoặc nhiều tần số ánh sáng. Việc biết (các) màu của ánh sáng tới và màu của ánh sáng được các sắc tố hấp thụ hoặc lọc bỏ bởi sắc tố hoặc filter, quá trình màu trừ có thể được áp dụng để xác định màu sắc của vật liệu trong suốt. Chúng ta sẽ xem xét ba ví dụ bên dưới, các ví dụ được mô tả trực quan trong sơ đồ dưới dưới đây.
Trong ví dụ A, ánh sáng trắng (tức là hỗn hợp ánh sáng màu đỏ, xanh lá và xanh dương) chiếu trên filter magenta. Magenta hấp thụ màu bổ túc của nó – tức xanh lá. Do đó, màu xanh lá cây bị trừ khỏi ánh sáng trắng. Còn lại màu đỏ và màu xanh dương được truyền qua filter. Vì lý do này, filter có màu magenta (vì ánh sáng màu magenta là hỗn hợp của ánh sáng đỏ và ánh sáng xanh dương) khi nó được chiếu ánh sáng trắng. Quá trình màu trừ này có thể được biểu diễn bằng phương trình sau:
W – G = (R + G + B) – G = R + B = M
Trong ví dụ B, ánh sáng vàng (tức là hỗn hợp của ánh sáng đỏ và xanh lá) chiếu trên tấm filter màu magenta. Magenta hấp thụ màu bổ túc của nó là xanh lá. Do đó, màu xanh lá bị lọc khỏi ánh sáng vàng. Còn lại là ánh sáng đỏ được truyền qua tấm filter. Vì lý do này, filter sẽ có màu đỏ khi ta chiếu ánh sáng vàng lên đó. Quy trình màu trừ này có thể được biểu diễn bằng phương trình sau:
Y – G = (R + G) – G = R
Ví dụ C, ánh sáng màu cyan (tức là hỗn hợp của màu xanh dương và màu xanh lá) chiếu trên tấm filter màu magenta. Magenta hấp thụ màu bổ túc của nó là xanh lá. Do đó, màu xanh lá bị loại bỏ khỏi ánh sáng màu cyan. Chỉ còn lại màu xanh dương được truyền qua tấm filter. Vì lý do này, chúng ta thấy tấm filter có màu xanh dương khi chiếu ánh sáng màu cyan lên đó. Quy trình màu trừ này có thể được biểu diễn bằng phương trình sau:
C – G = (B + G) – G = B
Kết luận được mô hình hóa trong ba ví dụ ở trên có thể được sử dụng trong mọi tình huống, bất kể màu của ánh sáng tới và màu của filter. Khi bạn tiếp cận những vấn đề như thế này, dù nó là chất liệu trong suốt hay không trong suốt đi chăng nữa, hãy đảm bảo rằng bạn áp dụng đúng quy tắc về các màu cơ bản của ánh sáng để sử dụng các bước suy luận logic để giải quyết vấn đề. Tránh việc ghi nhớ và tránh các lối tắt. Nếu filter có thể hấp thụ một màu của ánh sáng không có trong hỗn hợp ánh sáng tới, thì chỉ cần bỏ qua màu đó. Vì màu ánh sáng đó không ảnh hưởng đến màu sắc của đối tượng.
Các màu cơ bản của sơn (màu vẽ)
Các nhà in báo địa phương hoặc các công ty phát triển phim nhựa đều sử dụng quy tắc màu trừ cho công việc của họ. Ba màu cơ bản của màu vẽ (hoặc sơn) được các họa sĩ, thợ in và người phát triển phim sử dụng là cyan (C), magenta (M), và vàng (Yellow – Y). Họa sĩ, thợ in và những người phát triển phim không phải là những người làm việc trực tiếp với ánh sáng, thay vào đó, họ dùng sơn/màu vẽ/thuốc nhuộm lên một bề mặt có màu trắng. Các loại sơn, màu vẽ và thuốc nhuộm này phải là loại có khả năng hấp thụ các thành phần thích hợp của ánh sáng trắng để tạo ra hiệu ứng mong muốn. Hầu hết các nghệ sĩ bắt đầu bằng một bức toan trắng và vẽ màu lên đó. Các màu này phải loại bỏ một số màu sắc trong ánh sáng để bạn có thể nhìn thấy hình ảnh mong muốn. Một họa sĩ có thể tạo bất kỳ màu sắc nào bằng cách sử dụng ba màu cơ bản.
Mỗi màu sơn cơ bản hấp thụ một màu cơ bản của ánh sáng. Màu sắc bị hấp thụ bởi một màu cơ bản của sơn là màu bổ túc của màu sơn đó. Có ba màu cơ bản đối với một họa sĩ (magenta, cyan và vàng) trừ màu đỏ, xanh lá và xanh dương riêng lẻ từ một tờ giấy trắng. Như vậy,
Sơn màu magenta hấp thụ ánh sáng màu xanh lá.
Sơn màu cyan hấp thụ ánh sáng màu đỏ.
Sơn màu vàng hấp thụ ánh sáng màu xanh dương.
Chúng ta hãy giả sử rằng một họa sĩ muốn sử dụng ba màu sơn cơ bản để tạo ra một bức tranh về con chim đầy màu sắc bên phải. Con chim sẽ được vẽ lên giấy trắng và xem dưới ánh sáng trắng. Người họa sĩ muốn đuôi của nó có màu xanh lá, phần dưới cơ thể có màu xanh dương, phần trên cơ thể có màu cyan và cái đầu có màu đỏ, viền mắt màu magenta, mắt và vùng lông ở giữa cánh màu vàng và mỏ màu đen. Làm thế nào để dùng ba màu sơn cơ bản để tạo ra những màu này? Và làm thế nào để chúng ta giải thích câu trả lời theo quy tắc màu trừ?
Để có cái đuôi màu xanh lá, màu áp vào vùng đuôi phải hấp thụ ánh sáng đỏ và xanh dương và phản xạ lại màu xanh lá. Do đó, phần đuôi phải được sơn màu vàng (để hấp thụ màu xanh dương) và màu cyan (để hấp thụ màu đỏ).
Để tạo ra màu xanh dương cho phần dưới của cơ thể, màu được dùng phải hấp thụ ánh sáng đỏ và xanh lá, phản xạ lại ánh sáng màu xanh dương. Do đó, phần dưới cơ thể phải được tô bằng màu magenta (để hấp thụ ánh sáng xanh lá) và màu cyan (để hấp thụ ánh sáng màu đỏ).
Để có được cái đầu màu đỏ, màu được dùng phải hấp thụ màu xanh dương và xanh lá, phản xạ lại màu đỏ. Do đó, cái đầu phải được tô bằng màu magenta (để hấp thụ ánh sáng xanh lá) và màu vàng (để hấp thụ ánh sáng xanh dương).
Để phần trên cơ thể có màu cyan, màu được dùng cần hấp thụ ánh sáng đỏ, phản xạ lại ánh sáng màu xanh lá và xanh dương. Nếu ánh sáng màu xanh lá và xanh dương được phản xạ lại từ phân trên cơ thể, chúng ta sẽ thấy nó có màu cyan (tương ứng với việc kết hợp ánh sáng màu xanh lá và xanh dương để tạo thành màu cyan). Do đó, chỉ cần tô phần trên cơ thể bằng màu cyan (để hấp thụ màu đỏ).
Để tạo ra phần viền mắt màu magenta, màu được dùng phải hấp thụ ánh sáng màu xanh lá, phản xạ lại ánh sáng màu đỏ và xanh dương. Nếu ánh sáng màu đỏ và xanh dương được phản chiếu lại từ phần đường viền của mắt, chúng ta sẽ thấy nó có màu magenta (vì ánh sáng màu đỏ và xanh dương kết hợp với nhau sẽ cho ra ánh sáng màu magenta). Do đó, phần viền mắt chỉ cần được tô bằng màu magenta (để hấp thụ màu xanh lá).
Để có được đôi mắt và vùng lông ở giữa màu vàng, loại màu được sử dụng phải hấp thụ ánh sáng màu xanh dương, phản chiếu lại ánh sáng màu đỏ và xanh lá, như vậy chúng ta sẽ nhìn thấy màu vàng (vì ánh sáng màu đỏ và xanh lá kết hợp với nhau sẽ tạo ra ánh sáng màu vàng). Do đó, vùng mắt và lông màu giữa cần được tô màu vàng (để hấp thụ ánh sáng màu xanh dương).
Điều này có thể được tóm tắt trong hình bên dưới.
Quá trình trừ màu là một phương tiện hữu ích để dự đoán màu sắc của một đối tượng nếu màu sắc của ánh sáng tới và các sắc tố được biết trước. Bằng cách sử dụng bảng màu bổ túc, bạn có thể xác định màu sắc của ánh sáng sẽ được một chất liệu nhất định hấp thụ. Và chúng ta có thể dự đoán được màu sắc mà chúng ta nhìn thấy ở đối tượng là gì.
Ba đèn màu đỏ, xanh lá và xanh dương – chiếu lên một bức màn màu trắng. Một bàn tay đặt giữa bức màn và mấy cái đèn, do đó đổ bóng chồng lên nhau trên bức màn. Từ trái qua phải, bạn sẽ thấy lần lượt bóng màu vàng, magenta và cyan. Bóng màu vàng có được là do bàn tay chắn mất ánh sáng màu xanh dương, còn lại ánh sáng màu đỏ và xanh lá tạo thành vùng shadow màu vàng. Bóng màu magenta có được là do bàn tay chắn mất ánh sáng xanh lá, ánh sáng đỏ và xanh dương còn lại tạo thành vùng shadow màu magenta. Và cuối cùng, phần bóng màu cyan có được là do bàn tay chắn mất ánh sáng đỏ, màu xanh lá và xanh dương còn lại tạo thành vùng shadow màu cyan. Màu đỏ và xanh dương được tạo ra nơi các phần bóng chồng lên nhau. Hình ảnh này thể hiện cả các nguyên tắc màu cộng lẫn màu trừ.
Nguồn: The Physics Classroom
Quay phim và sản xuất phim chuyên nghiệp Gia Lai – QVFilm Production