Những chiêu trò quảng bá ồn ào, phản cảm của điện ảnh Việt
Sập hệ thống bán vé vì phim hot: Mới nhất, hệ thống bán vé của CGV gặp lỗi nghiêm trọng. Trên fan page chuỗi cụm rạp, có thông báo cho biết sự cố đến từ lượng người muốn đặt vé sớm của Chị chị em em quá lớn, và điều tương tự từng xảy ra thời Avengers: Endgame mới ra rạp. Cần phải rạch ròi rằng không ai trách cứ lỗi kỹ thuật của CGV; còn bản thân Chị chị em em không phải là một bộ phim tồi. Nhưng kết nối hai sự kiện lại với nhau lại là một động thái PR vụng về. Nhiều khán giả đã phản hồi rằng các suất chiếu sớm của tác phẩm còn không ít ghế trống, và chẳng có “cơn sốt” phòng vé nào giống như biệt đội siêu anh hùng tạo ra hồi mùa hè cả. |
Kêu cứu khán giả: Riêng trong năm 2019, có đến 4 bộ phim Việt cầu cứu khán giả, gồm Yolo – Bạn chỉ sống một lần, Thưa mẹ con đi, Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi và Ngốc ơi tuổi 17. Có phim hay, phim dở, nhưng nhóm tác phẩm rõ ràng được biết tới nhiều hơn nhờ động thái này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cứ lạm dụng chiêu “giải cứu” sẽ khiến điện ảnh Việt Nam ngày một bị khán giả xem thường. Với mỗi thất bại, ê-kíp trên hết cần nhìn lại chất lượng của bản thân tác phẩm, cũng như cách tiếp cận khán giả đã đúng đắn hay chưa. |
Thi nhau công bố doanh thu khó kiểm chứng: Hiện chưa có đơn vị độc lập nào thống kê chính xác doanh thu các bộ phim Việt, nên các nhà sản xuất thường “im re” khi phim thất bại, và chỉ công khai con số lúc thắng lớn. Điều tréo ngoe xảy ra trong mùa phim Tết Nguyên đán 2019 khi cả Trạng Quỳnh lẫn Cua lại vợ bầu thi nhau công bố doanh khổng lồ, tự nhận mình đứng đầu phòng vé trong những ngày đầu ra rạp. Cuối cùng, Cua lại vợ bầu thông báo phim thu hơn 190 tỷ đồng. Còn kết quả của Trạng Quỳnh là hơn 100 tỷ đồng. |
Phim giả, tình thật: Để tăng độ nóng cho các bộ phim lãng mạn, nhà sản xuất hay lấp lửng việc yêu nhau giữa đôi diễn viên chính. Ồn ào nhất chính là câu chuyện giữa An Nguy và Kiều Minh Tuấn khi chính người trong cuộc lên tiếng xác nhận. Trước thềm Chú ơi, đừng lấy mẹ con (2018) ra rạp, tài tử thừa nhận đã lạm dụng “method acting” để tạo ra “một thế giới” khiến bạn diễn không thể thoát ra. Điều đáng nói là ngôi sao Anh trai yêu quái khi ấy vừa “thề non hẹn biển” với bạn gái Cát Phượng. Sau hàng loạt tranh cãi ồn ào, cả ba ngôi sao bị khán giả tẩy chay và khiến cả Chú ơi, đừng lấy mẹ con lẫn Hạnh phúc của mẹ (2019) đều thất bại tại phòng vé. |
Khóc lóc tố nhà phát hành: Trước khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016) công chiếu vài ngày, Ngô Thanh Vân tổ chức họp báo rồi bật khóc tố cáo bộ phim đã bị CGV chèn ép, không nhận trình chiếu. Sự kiện gây xôn xao dư luận suốt thời gian dài. Cuối cùng, bộ phim thu hơn 66 tỷ đồng bất chấp nội dung không quá xuất sắc. Nhiều tác phẩm sau này cũng tìm cách “học theo” như Găng tay đỏ (2017) hay Yolo – Bạn chỉ sống một lần (2019), nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. |
Diễn viên tự “bẻ cong” giới tính: Vốn gắn liền với hình ảnh mạnh mẽ và thẳng thắn, Trung Dũng bỗng nhiên gây sốc khi nhận mình thuộc giới tính thứ ba, sẵn sàng cưới đàn ông nếu phù hợp. Tuy nhiên, đây thực tế chỉ là chiêu trò quảng bá cho Lạc giới (2014) – bộ phim do anh lên ý tưởng, viết kịch bản, cũng như kiêm luôn vai chính là một tên tội phạm đồng tính. Cuối cùng, sau khi phim ra mắt, Trung Dũng lại “bẻ lái” tiết lộ rằng vợ con mình đang ở Mỹ. |
Dùng cảnh nóng trong phim: Sử dụng cảnh nóng trong trailer để câu khách là điều thường thấy, nhưng ý nghĩa trong phim của chúng tới đâu, hay thậm chí chúng có xuất hiện hay không, lại là vấn đề khác. Năm 2011, Bóng ma học đường tạo cơn sốt khi tung ra trailer có hình ảnh Đinh Ngọc Diệp bị nhóm bạn xé áo lộ nội y hay Elly Trần tắm bồn. Song, những tình tiết kể trên đều chẳng mang bất cứ ý nghĩa gì trong phim. Gần đây, cả Mẹ chồng (2017) lẫn Lời nguyền gia tộc (2017) tiếp tục tung ra nhiều hình ảnh quan hệ nóng bỏng trước giờ ra rạp. Tuy nhiên, khán giả rốt cuộc tìm “mỏi mắt” cũng chẳng thấy những phân cảnh đó trong phim. |