Mùa phim Tết vài năm gần đây luôn là thời điểm sôi động nhất của điện ảnh Việt Nam, nhưng cũng không tránh khỏi những tranh cãi. Trong số đó, cái tên Trấn Thành luôn nổi bật – không chỉ vì anh là một nghệ sĩ đa tài mà còn bởi cách Thành tạo ra những tác phẩm thu hút hàng triệu khán giả đến rạp. Bộ phim Bộ Tứ Báo Thủ (2025) của Trấn Thành hiện đang làm mưa làm gió với hơn 6.000 suất chiếu mỗi ngày và doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Nhưng bên cạnh sự hào hứng từ người hâm mộ, nó cũng nhận về không ít lời chê trách từ giới phê bình và những khán giả “có gu”.

Hình ảnh trong phim Bộ Tứ Báo Thủ.

Có lẽ điều thú vị nhất ở đây không phải là việc phim hay hay dở, mà chính là cách bộ phim này đã trở thành một hiện tượng văn hóa đại chúng. Người yêu thích dòng phim giải trí đơn giản thì khen ngợi hết lời, trong khi những ai quen thuộc với điện ảnh hàn lâm lại tỏ ra khó chịu, thậm chí có phần gay gắt. Thế mới thấy, cảm quan nghệ thuật của mỗi người khác nhau như khẩu vị trong ẩm thực vậy: người thích mặn, kẻ mê ngọt; miền Bắc chuộng thanh đạm, miền Nam lại thích đậm đà pha chút chua ngọt. Nghệ thuật cũng thế, không thể định lượng hay phân loại một cách máy móc. Điều này càng đúng khi nói về điện ảnh Việt Nam, nơi mà ranh giới giữa nghệ thuật và thương mại vẫn chưa thật sự rõ ràng.

Làm phim để phục vụ công chúng hay để lấy lòng nhà phê bình?

Nếu bạn hỏi các chủ rạp phim, họ sẽ nói rằng chất lượng nội dung không quan trọng bằng sức hút của khán giả. Làm kinh tế mà, miễn sao bộ phim kéo được khách đến rạp đông nghịt, xếp hàng dài mua vé, thì đó đã là thành công. Và tất nhiên, lợi nhuận khổng lồ từ bỏng ngô, nước ngọt cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Vì vậy, không khó hiểu khi Bộ Tứ Báo Thủ được ưu ái với nhiều suất chiếu. Nếu tôi là chủ rạp, chắc chắn tôi cũng sẽ chọn phương án tương tự – dại gì không tận dụng cơ hội kiếm tiền trong mùa Tết?

Tràn ngập suất chiếu Bộ Tứ Báo Thủ vì sức hút bộ phim quá lớn.

Nhưng nếu nhìn xa hơn, câu chuyện không chỉ dừng lại ở doanh thu. Làm nghệ thuật vốn dĩ đã khó, biến góc nhìn nghệ thuật chủ quan của nhà làm phim thành văn hóa quần chúng còn khó hơn gấp bội. Tôi nể Trấn Thành ở chỗ này: anh biết cách nắm bắt thị hiếu khán giả, tận dụng tối đa lượng fan hâm mộ đông đảo, và kết hợp mọi yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để biến bộ phim thành một cỗ máy kiếm tiền. Điện ảnh không chỉ là nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp, nơi giá trị của tác phẩm được đo bằng con số doanh thu. Điều này dễ nhận thấy từ nền công nghiệp điện ảnh tỷ đô từ kinh đô điện ảnh Hollywood ở quốc gia bên kia bán cầu đã làm, dân mình hay nói nôm na là phim Mỹ.

Tom Cruise - Tài tử số 1 thế giới hiện nay

Trở lại với Trấn Thành, liệu chúng ta có nên so sánh anh với Tom Cruise? Có thể nhiều người sẽ cười vào ý tưởng này, nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, một bộ phim chỉ thực sự thành công khi được công chúng chấp nhận. Những giải thưởng quốc tế hay lời khen từ giới phê bình đương nhiên đáng tự hào, nhưng nếu tác phẩm không chạm đến trái tim khán giả, thì liệu nó có thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình?

Khi nghệ thuật bị quy đổi thành quy đổi thành tiền bạc.

Con người thường có thói quen quy đổi mọi thứ ra tiền, rồi từ đó xác định giá trị. Nghệ thuật, tuy vô giá, nhưng đôi khi cần được biểu thị bằng những con số để dễ hiểu hơn đối với số đông công chúng. Đó là lý do tại sao những tác phẩm như Quả chuối dán tường (Comedian) của Maurizio Cattelan lại gây tranh cãi dữ dội. Một quả chuối dán lên tường, bán với giá hơn 6 triệu USD, khiến nhiều người thắc mắc: “Tại sao nó lại đáng giá như vậy?” Nhưng sâu xa hơn, Comedian không chỉ là một món đồ trang trí kỳ quặc. Nó gửi gắm thông điệp rằng nghệ thuật không nhất thiết phải phức tạp hay đắt tiền, mà có thể được tạo nên từ bất kỳ thứ gì. Điều quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận và diễn giải ý nghĩa ẩn sau tác phẩm.

Quả chuối dán tường (Comedian) - Tác phẩm của nghệ sĩ Italy Maurizio Cattelan trị giá 6,2 triệu USD.

Trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam, câu chuyện của Trấn Thành và các đạo diễn độc lập là hai mặt đối lập của cùng một vấn đề. Một bên tập trung vào thị trường đại chúng, biến phim ảnh thành công cụ kiếm tiền hiệu quả. Bên kia lại kiên trì theo đuổi những giá trị nghệ thuật sâu sắc, dù phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt: doanh thu vỏn vẹn vài trăm triệu đồng, thậm chí rời rạp trong âm thầm. Điển hình là bộ phim Culi không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân, giành giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin, nhưng chỉ thu về 745 triệu đồng sau một tháng công chiếu. Hay gần đây, bộ phim Mưa trên cánh bướm của Dương Diệu Linh, dù đạt nhiều giải thưởng quốc tế, cũng chỉ dừng lại ở mức hơn 600 triệu đồng.

Phim Culi không bao giờ khóc đạt gần 750 triệu doanh thu trong 1 tháng ra rạp.

Tôi không nghĩ rằng một bên tốt hơn bên kia. Mỗi con đường đều có giá trị riêng. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng, trong tương lai, điện ảnh Việt Nam sẽ tìm được sự cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại. Một bộ phim vừa đủ sâu sắc để lay động cảm xúc, vừa đủ hấp dẫn để thu hút đông đảo khán giả – đó mới là đích đến cuối cùng của mọi nhà làm phim mà bản thân tôi luôn theo đuổi vì điều đó.

Hy vọng cho điện ảnh Việt Nam

Riêng tôi, tôi chưa xem Bộ Tứ Báo Thủ , nhưng đã theo dõi ba bộ phim trước của Trấn Thành: Bố Già , Nhà bà Nữ , và Mai . Cách anh kể chuyện xoay quanh những xung đột gia đình rất đời thường, gần gũi với số đông công chúng. Từ Bố Già, Nhà bà Nữ đến Mai , mỗi phim đều tiến bộ hơn về mặt kỹ thuật và nội dung. Dẫu vậy, tôi vẫn cảm nhận được sự thiếu sót trong chiều sâu kịch bản. So với những tác phẩm của Lý Hải hay Victor Vũ, phim của Trấn Thành có phần “bình dân” hơn, phù hợp với mùa Tết – thời điểm mà mọi người tìm kiếm thứ gì đó nhẹ nhàng để giải trí.

Phim của Trấn Thành có phần “bình dân”, phù hợp với mùa Tết.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Trấn Thành không có tiềm năng. Tôi tin anh là một nghệ sĩ cống hiến, và hy vọng anh sẽ tiếp tục thử nghiệm với những đề tài mới mẻ, vượt ra khỏi khuôn khổ của phim Tết. Hoặc nếu không, tôi mong rằng mùa Tết năm sau sẽ có thêm nhiều lựa chọn phim độc lập, với nội dung sâu sắc và dễ tiếp cận, để khán giả có thể trải nghiệm những câu chuyện khác biệt.

Cuối cùng, tôi vẫn giữ niềm tin rằng điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để sánh vai với các nền điện ảnh lớn trong khu vực như Hàn Quốc hay Thái Lan. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, một bộ phim Việt Nam sẽ xuất hiện trên bản đồ điện ảnh thế giới, mang đến tiếng nói mới mẻ cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Đó không chỉ là giấc mơ của những người làm phim, mà còn là niềm tự hào của khán giả Việt và các nhà làm phim.

Vì vậy, tôi mong rằng những mùa Tết năm sau, điện ảnh Việt Nam sẽ không chỉ là cuộc đua doanh thu để khán giả có nhiều hơn sự lựa chọn, mà còn là nơi để các nhà làm phim thể hiện tài năng và tâm huyết của mình. Hãy để điện ảnh trở thành cầu nối, đưa chúng ta đến gần hơn với thế giới, và ngược lại.

Đạo diễn Đào Phúc Quang Vũ – Pleiku, 2/2/2025